Phẫu Thuật Longo: Phương Pháp Được Ứng Dụng Phổ Biến Trong Điều Trị Bệnh Trĩ

Dx 76, Phường Định Hoà, Thủ Dầu Một, Bình Dương

Giờ làm việc: 7h30 – 17h00

Tiếng Việt English
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG CHI (PCGH)
Chuyên khoa
Phẫu Thuật Longo: Phương Pháp Được Ứng Dụng Phổ Biến Trong Điều Trị Bệnh Trĩ

Trĩ là một bệnh rất phổ biến hay gặp ở người lớn, hiếm gặp ở trẻ em. Tuy bệnh ít nguy hiểm nhưng gây nhiều trở ngại, phiền phức trong sinh hoạt, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng công tác và tâm sinh lý của người bệnh.

1. Khái niệm về bệnh trĩ?

Bệnh trĩ là tình trạng sa giãn đệm mạch máu, là đám rối động – tĩnh mạch dưới niêm mạc, trong ống hậu môn (Trĩ nội). Tương tự, các đám rối mạch nhỏ hơn cũng hiện diện dưới da quanh bờ hậu môn (Trĩ ngoại).

 

khai niệm về trĩ

 

2. Yếu tố nguy cơ

  • Tư thế đứng
  • Táo bón kinh niên
  • Hội chứng lỵ
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Tăng áp lực ổ bụng
  • U bướu hậu môn – trực tràng và vùng lân cận.
  • Lớn tuổi

3. Nguyên nhân 

  • Ứ trệ lưu thông tĩnh mạch
  • Chế độ ăn ít chất xơ
  • Thói quen xấu (rặn khi đi cầu, đọc sách trong nhà vệ sinh…)
  • Chức năng cơ vòng hậu môn.

4. Chẩn đoán

4.1 Lâm sàng:

Triệu chứng cơ năng

  • Chảy máu
  • Sa búi trĩ
  • Đau
  • Rĩ dịch hậu môn
  • Ngứa hậu môn

Triệu chứng thực thể

Tư thế phụ khoa hoặc nghiêng trái: Nhìn, Thăm hậu môn trực tràng

Nhìn có thể phát hiện trĩ ngoại, nứt hậu môn, trĩ nội, sa, huyết khối trĩ ngoại, ung thư hậu môn.

Thăm hậu môn trực tràng: Đây là động tác quan trọng nhất để loại trừ ung thư hậu môn trực tràng và phát hiện dấu hiệu đau do trĩ thuyên tắc.

4.2 Cận lâm sàng:

Nội soi trực tràng, sau khi thăm khám cần nội soi hậu môn trực tràng, giúp chẩn đoán trĩ nội độ 1, độ 2, nứt hậu môn và các bệnh lý khác như polype trực tràng, ung thư trực tràng.

5. Phân loại trĩ

Trĩ nội: Trĩ nội nằm gần và phía trên đường lược và được bao phủ bởi biểu mô trụ hoặc chuyển tiếp. Mô này được sự chi phối của thần kinh tạng, nên nó không nhạy cảm với đau đớn, cảm ứng, hoặc nhiệt độ, đây là điều thuận lợi khi thực hiện các thủ thuật.

Trĩ nội phân độ dựa trên kích thước và các triệu chứng lâm sàng bởi Goligher:

  •  Độ I: Trĩ sa trong ống hậu môn nhưng chưa ra ngoài.
  •  Độ II: Trĩ sa ra ngoài, tự thụt vào.
  •  Độ III: Trĩ sa ra ngoài, phải dùng tay ấn vào.
  •  Độ IV: Trĩ sa không đẩy vào được.

Trĩ ngoại: Trĩ ngoại được hình thành do giãn quá mức đám rối tĩnh mạch trĩ ngoại. Trĩ ngoại bao giờ cũng nằm ngoài ống hậu môn, phủ trên búi trĩ là da quanh hậu môn.

Trĩ hỗn hợp: Lúc đầu trĩ nội nằm trong ống hậu môn trên đường lược, trĩ ngoại nằm dưới đường lược, phân cách nhau bởi vùng lược, ở đây có dây chằng Parks. Lâu ngày dây chằng Parks chùng ra, khi đó trĩ nội và trĩ ngoại gặp nhau tạo thành trĩ hỗn hợp

Trĩ vòng: Thông thường vị trí của trĩ là vị trí của các đám rối tĩnh mạch trĩ. Lúc mới phát sinh, các búi trĩ còn nhỏ, phân cách riêng biệt. Về sau giữa các búi trĩ chính xuất hiện các búi trĩ phụ. Sau nữa các búi trĩ chính và búi trĩ phụ tụt ra và gặp nhau tạo thành trĩ vòng. Tuy là vòng nhưng có chỗ to chỗ nhỏ. Chỗ to chỗ nhỏ là dấu hiệu tốt để phân biệt trĩ vòng với sa trực tràng.

 

phân loại độ trĩ

 

6. Biến chứng

- Tắc mạch

  • Tắc mạch trĩ ngoại: đau vùng hậu môn, vùng da căng phồng, màu tím chắc, ấn đau
  • Tắc mạch trĩ nội

- Sa nghẹt búi trĩ: đau dữ dội vùng hậu môn, khối trĩ sa nghẹt, viêm phù nề.

- Nhiễm trùng nhú và khe

- Trĩ chảy máu nhiều

7. Điều trị

7.1 Nội khoa:

Điều trị nội khoa được cân nhắc đến trước tiên và có hiệu quả cho tất cả các bệnh nhân trĩ. Tuy nhiên điều trị bảo tồn chỉ cho đáp ứng tốt nhất đối với trĩ độ I và II.

  • Vệ sinh tại chỗ, ngâm nước ấm 2-3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.
  • Tập thói quen đi cầu.
  • Thói quen ăn uống, tránh táo bón
  • Vận động thể lực.
  • Thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch (Daflon, Ginkor).
  • Thuốc tại chỗ có tác nhân kháng viêm, vô cảm và trợ tĩnh mạch (Protolog).

7.2 Thủ thuật:

  • Chích xơ hóa búi trĩ: Trĩ nội độ I, độ II.
  • Liệu pháp làm đông nhiệt bằng tia hồng ngoại: Trĩ nội độ I, độII.
  • Liệu pháp đông lạnh: Trĩ độ II.
  • Thắt búi trĩ bằng dây thun: Trĩ độ II.

7.3 Phẫu thuật:

Trĩ nội độ III, IV.

  • Cắt búi trĩ theo phương pháp Milligan-Morgan.
  • Khâu treo triệt mạch.
  • Phương pháp Longo.

8. Phẫu thuật phương pháp longo

Cắt trĩ theo phương pháp Longo được ra đời từ năm 1993, tác giả là Antonio Longo một phẫu thuật viên người Ý. Cắt trĩ Longo sử dụng máy cắt đồng thời khâu nối. Phẫu thuật dựa trên nguyên lý kéo búi trĩ trở lại vị trí bình thường, cắt và khâu phần mạch máu cung cấp làm búi trĩ co nhỏ lại. Vết cắt và khâu nằm trên vùng ít cảm giác của ống hậu môn giúp cho bệnh nhân giảm đau đáng kể sau phẫu thuật, phục hồi nhanh, đại tiện sau mổ.

 

cắt trĩ bằng phương pháp longo

 

8.1 Ưu điểm của phẫu thuật trĩ Longo

Ít đau: Với những phương pháp điều trị trước đây, bệnh nhân rất đau, phải dùng thuốc giảm đau đường tiêm. Bệnh nhân sẽ phải chịu đựng sự đau đớn khoảng 4-5 tuần, đi lại khó khăn. Phải vệ sinh mỗi ngày 2 lần tránh nhiễm trùng vết mổ. Tuy nhiên cắt trĩ theo phương pháp Longo, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau đường uống, chỉ cảm thấy sự khó chịu nhẹ ở vùng hậu môn. Khoảng 85% bệnh nhân có thể đi lại bình thường, tự phục vụ bản thân trong ngày.

Thời gian xuất viện nhanh: Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường sớm nhất. Phương pháp cắt trĩ Longo có tỷ lệ chảy máu sau mổ khoảng 1% cần theo dõi. Bởi vậy sau mổ khoảng 6 giờ là thời gian theo dõi vấn đề chảy máu, 10 - 24 giờ để theo dõi vấn đề gây mê, thoát mê, thoát tê thì bệnh nhân có thể ra viện được. Vậy thời gian nằm viện trung bình của phẫu thuật trĩ theo phương pháp Longo là 10 - 24 giờ sau mổ.

Tỷ lệ tái phát sau mổ là rất ít: vì cắt trĩ theo phương pháp Longo đã cắt nguồn cung cấp máu đến các búi trĩ đồng thời sửa chữa cấu trúc ống hậu môn trở về gần như bình thường. Do đó việc tái phát ít gặp.

Là phương pháp mổ trĩ an toàn:  áp dụng cho cả người lớn tuổi, giảm đau hơn nhiều so với phương pháp cắt trĩ kinh điển.

Thời gian phẫu thuật chỉ từ 20-30 phút:  ít biến chứng, ít đau sau mổ, phục hồi sớm, đỡ chăm sóc sau mổ và chưa ghi nhận tỷ lệ tái phát.

Rút ngắn thời gian nằm viện: đảm bảo tính thẩm mỹ, không có biến chứng hẹp hậu môn do sẹo, xơ.

8.2 Chỉ định

  • Phương pháp này chỉ định cho trĩ nội độ III, trĩ vòng, có thể áp dụng cho cả trĩ độ II hoặc độ III và sa niêm mạc trực tràng độ I- II
  • Cho các trường hợp trĩ nội độ II không đáp ứng điều trị nội hoặc thủ thuật

8.3 Chống chỉ định

  • Người bệnh có áp xe cạnh hậu môn, hẹp ống hậu môn, sa toàn bộ trực tràng, viêm loét trực tràng
  • Bệnh nhân có: Rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông, trĩ triệu chứng do tăng áp cửa, bệnh Crohn
  • Bệnh nhân có bệnh nội khoa, tim mạch nặng mà chưa điều trị ổn định
  • Bệnh nhân mắc bệnh phối hợp nặng không thể chịu đựng cuộc phẫu thuật

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Đình Hối, Dương Phước Hưng. (2004). “Quan niệm mới về điều trị trĩ”, Ngoại khoa. Y học Thành phố Hồ Chí Minh số 2, 63-68.

Dương Phước Hưng. (2007), Điều trị học ngoại khoa tiêu hoá. Điều trị ngoại khoa bệnh trĩ, Nhà xuất bản Y học.

Khubchandani I, et al. (2009), Surgical Treatment of Hemorrhoids. Transanal Hemorrhoidal Dearterialization, The ASCRS Manual of Colon and Rectal Surgery-Springer-Verlag London Limited.

Phác đồ điều trị bệnh viện bình Dân 2018

Hỏi Đáp Tìm bác sĩ Lịch khám chuyên khoa