Phòng ngừa và xử lý dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em: Câu chuyện từ Bệnh viện Đa khoa Phương Chi

Dx 76, Phường Định Hoà, Thủ Dầu Một, Bình Dương

Giờ làm việc: 7h30 – 17h00

Tiếng Việt English
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG CHI (PCGH)
Tin tức & sự kiện
Phòng ngừa và xử lý dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em: Câu chuyện từ Bệnh viện Đa khoa Phương Chi

Bệnh viện Đa khoa Phương Chi xin gửi đến quý bậc Ba mẹ câu chuyện về một trường hợp phòng ngừa và xử lý dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em. Đây là một bài viết mang tính thực tế, nhằm cung cấp thông tin và lời khuyên hữu ích cho các bậc cha mẹ.

Câu chuyện bắt đầu khi một ngày nọ, bỗng nghe tiếng gọi đứt quãng của con khi đang ngồi chơi, ngay lúc đó bà mẹ phát hiện ra ngôi sao đồ chơi của bé bị mất 1 cái và bé không chịu ăn, uống, bé ói ngay sau ăn, lấy tay chỉ vô vùng cổ nói: “Con đau…”. Bà mẹ đã nhận thấy rằng con gái 3 tuổi của mình có vấn đề ở vùng cổ. Với sự lo lắng, gia đình đưa bé đi chụp phim X-quang và phát hiện một hình dạng giống ngôi sao trong vùng cổ - ngực của bé. Ngay lập tức, được sự giới thiệu gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Phương Chi để được khám và điều trị.

 

dị vật đường tiêu hóa

 

Sau khi được thăm khám và đánh giá tình trạng của bé, các bác sỹ tại bệnh viện đã xác định rằng có một dị vật hình dạng "ngôi sao" mắc kẹt ở 1/3 trên thực quản của bé. Để giải quyết tình huống này, các bác sỹ tiến hành nội soi thực quản để lấy dị vật ra ngoài. Khi dị vật được lấy ra ngoài, gia đình vô cùng hạnh phúc khi thấy bé có thể ăn uống và hoạt động bình thường trở lại.

Khuyến cáo về cách xử lý dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em

Trong cuộc trò chuyện với gia đình, Bác sỹ rất thông cảm về lo lắng trước đó của gia đình vì trẻ em rất hiếu động. Bác sỹ bệnh viện chia sẻ:  trẻ em, cũng như người lớn, thường có thể nuốt phải dị vật trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Nếu dị vật được nuốt vào một cách dễ dàng và không gây mắc kẹt ở họng, thì có thể trẻ sẽ không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, cha mẹ nên chú ý theo dõi các triệu chứng như nôn ói, sốt, đau và kiểm tra phân của trẻ để đảm bảo rằng dị vật đã được loại bỏ.

Trong trường hợp nếu cơ thể gặp khó khăn trong việc thải dị vật đó ra ngoài, dị vật kẹt ở thực quản hoặc ruột, trẻ có thể có các triệu chứng: nôn ói, chảy nước miếng, đau ngực hoặc đau họng, từ chối ăn, đau bụng, sốt…Vật nhọn có thể đâm thủng thực quản hoặc ruột; các loại pin nhỏ, nam châm nhỏ, có thể gây tổn thương mô nên cần đến bệnh viện để can thiệp lấy ra sớm.

Phòng ngừa và xử lý dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em

Như đã đề cập ở trên, để tránh những tình huống không mong muốn, phòng ngừa là rất quan trọng. Dưới đây là một số lời khuyên để giúp bậc cha mẹ phòng ngừa và xử lý dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em:

  • Không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ: các loại đồ chơi có kích thước nhỏ rất nguy hiểm vì bé có thể vô tình nhét vào mũi hoặc nuốt. ví dụ như: đồ chơi lego, các loại hạt vòng, các loại đồ chơi có kích thước nhỏ đều không an toàn cho trẻ nhỏ.
  • Chỉ cho trẻ nên chơi các đồ chơi có hình khối, kích thước lớn như quả trứng trở lên, những đồ chơi mà trẻ không thể gặm vỡ, hoặc đồ chơi không sắc nhọn gây nguy hiểm.
  • Không nên cho trẻ tự bốc ăn các loại hạt: Ba mẹ nên để mắt đến trẻ và không nên để bé tự cầm ăn các loại hạt như mắc ca, óc chó, đậu phộng, hạnh nhân… vì các loại hạt này rất cứng, dễ gây hóc nghẹn. Ngoài ra, các loại hạt có kích thước tròn, nhỏ như hạt bắp, hạt đậu Hà Lan cũng không an toàn để trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cầm nắm.
  • Ngoài các loại hạt, các loại thạch cũng không an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi. Thạch rất trơn và được sản xuất ở kích thước nhét vừa miệng nên miếng thạch dễ lọt xuống họng trước khi trẻ kịp nhai nhỏ.
  • Không để trẻ nhỏ tự ăn thịt chưa tách xương: Hóc xương nguy hiểm có thể gây chảy máu cổ họng và suy hô hấp nhanh ở trẻ nhỏ. Nhiều gia đình chủ quan hay cho trẻ nhỏ cầm nắm đùi gà vịt để bé tự gặm ăn. Tuy nhiên, cách ăn này dễ gây hóc xương do khi chặt gà vịt vụn xương còn dính lại trên thịt.
  • Xử trí kịp thời khi xảy ra sự cố: Nếu bạn nghi ngờ rằng trẻ của bạn đã nuốt phải một dị vật hoặc gặp vấn đề về đường tiêu hóa, hãy liên hệ với bác sỹ ngay lập tức. Bác sỹ sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách xử lý tình huống và có thể yêu cầu các xét nghiệm hoặc x-quang để đánh giá tình trạng của trẻ.

Trên đây là một số lời khuyên để phòng ngừa và xử lý dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đây chỉ là một hướng dẫn chung. Trong trường hợp xảy ra sự cố, luôn luôn tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các bác sỹ và chuyên gia y tế. Sự an toàn và sự khỏe của trẻ là ưu tiên hàng đầu, do đó, việc giữ cho môi trường xung quanh trẻ an toàn và giảm thiểu nguy cơ nuốt phải dị vật là rất quan trọng.

Hỏi Đáp Tìm bác sĩ Lịch khám chuyên khoa