Gan nhiễm mỡ là tình trạng tế bào gan tích tụ nhiều hơn lượng mỡ của gan từ 5% đến 10%. Để xác định gan nhiễm mỡ hay không thì phải tính toán dựa trên các số đo của gan. Tuy nhiên, hơn 95% trường hợp có kết quả “gan nhiễm mỡ” chỉ được chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm khiến nhiều người hoang mang.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả gan nhiễm mỡ (GNM). Có thể do các bệnh chuyển hóa, thói quen uống nhiều rượu bia, rối loạn dinh dưỡng hoặc do sử dụng thuốc. Bệnh GNM đang có dấu hiệu gia tăng do môi trường sống và thói quen ăn uống của chúng ta đã thay đổi.
Trên thực tế, để xác định gan của chúng ta có thực sự nhiễm mỡ hay không thì cần phải thông qua xét nghiệm máu để kiểm tra xem men gan có cao hay không (dựa trên các chỉ số SGOT, SGPT, GGT). Cách chính xác nhất là sinh thiết gan để soi qua kính hiển vi để tính tỷ lệ phần trăm (%) tế bào chứa các hạt mỡ. Chúng ta cũng cần hiểu rằng GNM cũng được chia thành: GNM độ I, độ II, độ III, độ IV. Tùy theo mức độ mà bác sĩ có thể cho bạn làm thêm các xét nghiệm như CT, MRI, viêm gan B - C…
Điều này cho thấy chúng ta không thể chỉ nhìn hình ảnh gan đơn thuần khi siêu âm là có thể biết gan nhiễm mỡ hay không. Thực chất, kết quả siêu âm cho biết “gan nhiễm mỡ” chỉ là mô tả của các bác sĩ siêu âm về độ phản âm của chủ mô gan và so sánh với các cơ quan khác như thận. Vì vậy, đây không hẳn là do trình độ bác sĩ siêu âm yếu mà chỉ là sự hiểu nhầm về cách diễn giải giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Hầu hết các trường hợp GNM không có triệu chứng và hầu hết bệnh nhân bị GNM đều ở độ tuổi trung niên và thừa cân. GNM quá mức có thể dẫn đến viêm gan, một tình trạng được gọi là viêm gan nhiễm mỡ và đây cũng là nguyên nhân khiến gan bị tổn thương.
Chính vì vậy khi được chẩn đoán GNM người bệnh cần làm những việc sau để tránh làm bệnh nặng thêm:
- Giảm cân
- Thay đổi chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ như: giảm chất béo trong khẩu phần ăn, sử dụng thuốc giảm béo hoặc cả hai phương pháp hoặc thực hiện một chế độ ăn uống điều độ và đủ chất.
- Bạn bắt buộc phải tránh xa việc sử dụng thuốc lá và rượu.
- Tập thể dục, thể thao.
- Tái khám với bác sĩ chuyên khoa thường xuyên.
Những mẹo trên tuy đơn giản nhưng không dễ thực hiện, cần có sự quyết tâm nhất là trong việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Thực tế điều trị cho thấy, nhiều bệnh nhân không thay đổi được thói quen nên quá trình điều trị không đạt hiệu quả, gây tốn kém về chi phí, thời gian và tinh thần của bệnh nhân.