Thời điểm uống thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất trong điều trị

Dx 76, Phường Định Hoà, Thủ Dầu Một, Bình Dương

Giờ làm việc: 7h30 – 17h00

Tiếng Việt English
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG CHI (PCGH)
Tin tức & sự kiện
Thời điểm uống thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất trong điều trị

Thời điểm uống thuốc hợp lý sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, dựa vào các bữa ăn (trước, sau hoặc trong bữa ăn) do sự tương tác giữa thuốc và thức ăn, thức uống nó giúp thuốc được phát huy hiệu quả tối đa.

 

thời điểm uống thuốc để đạt hiệu quả trong điều trị

 

- Những loại thuốc làm tăng nồng độ máu sẽ tránh uống vào bữa ăn để tránh gây ngộ độc.

- Một số thuốc khi gặp thức ăn làm giảm hấp thu thì uống xa bữa ăn.

- Các thuốc còn lại sẽ chỉ định uống vào bữa ăn để tránh làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.

 Dưới đây là câu trả lời cho câu hỏi trên của một số loại thuốc mà người bệnh cần biết.

1. Các thuốc uống trước bữa ăn 30 phút

- Thuốc bổ sung chất sắt: Uống sắt với một ly nước cam hoặc khi bụng đói sẽ tạo điều kiện hấp thu sắt dể hơn. Môi trường acid giúp hấp thu sắt tốt nhất.

- Thuốc điều trị tăng huyết áp: Huyết áp thường cao hơn vào buổi sáng, thuốc huyết áp thường được bác sĩ kê đơn uống vào buổi sáng để ổn định huyết áp cho người bệnh.

- Chứng trào ngược acid và ợ nóng: Để đạt hiệu quả điều trị trào ngược acid và ợ nóng, nên dùng thuốc trước khi ăn.

- Thuốc điều trị loãng xương: Phần lớn các loại thuốc trị loãng xương được sử dụng liều đầu tiên vào buổi sáng khi bụng đói, có thể là liều hàng tuần hoặc hàng tháng. Có một số loại thuốc điều trị loãng xương được sử dụng hàng ngày trước khi đi ngủ, nhưng không được kê đơn thường xuyên như thuốc uống buổi sáng, hàng tuần hoặc hàng tháng.

2. Các thuốc thường uống trong bữa ăn và sau khi ăn

- Vitamin tổng hợp: Các vitamin nhất là nhóm hòa tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K thì nên uống trong bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn để dầu mỡ có trong thức ăn giúp vitamin dễ hòa tan, cơ thể hấp thu tốt hơn.

 

vitamin

 

- Với các thuốc tan mạnh trong dầu mỡ như sulfamid, griseofulvin, phenytoin (trị động kinh và các cơn tâm thần vận động)... thì nên uống trong bữa ăn giàu chất béo. Phần lớn các thuốc kháng nấm ketoconazol nên uống trong bữa ăn để giảm bớt các hiện tượng không dung nạp đường tiêu hóa và cải thiện sự hấp thu, nhưng cần tránh uống rượu.

- Thuốc thông mũi và thuốc chống dị ứng: Nghẹt và các triệu chứng dị ứng phổ biến như ngứa mắt thường tồi tệ hơn vào buổi sáng. Uống những thuốc này sau khi ăn sáng sẽ giúp làm sạch xoang, vì vậy bạn sẽ cảm thấy bớt tắc nghẽn trong ngày.

- Các thuốc chống viêm hạ nhiệt giảm đau không steroid: aspirin, ibuprofen, ketoprofen, diclofenac,… kèm với nguy cơ loét dạ dày, cần uống thuốc vào bữa ăn và không được uống rượu.

3. Những thuốc cần uống cách xa bữa ăn 1 đến 2 giờ

- Thuốc kháng sinh tetracyclin dễ tạo phức với ion canxi hóa trị 2 (Ca 2+ trong thức ăn nhất là sữa), hay các cation kim loại khác có trong thức ăn làm biến đổi tính chất của thuốc mất tác dụng kháng sinh. Bởi vậy, cần uống tetracyclin cách xa bữa ăn (trước hoặc sau bữa ăn ít nhất 1,5 - 2 giờ).

- Với thuốc kháng sinh ampicilin cũng dễ bị ức chế bởi thức ăn, không nên uống ngay sau bữa ăn. Với đa số các kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin, spiramycin, …) để hấp thu tốt hơn nên dùng xa bữa ăn và uống vào lúc đói, đối với erythromycin nên uống ngay trước bữa ăn. Cefalexin, oxacilin phải uống xa bữa ăn để thuốc hấp thu tốt hơn.

- Những thuốc có tác dụng phụ gây nôn do cơ chế trung ương như opiat, thuốc chống ung thư... thì cần phải uống xa bữa ăn.

- Thuốc nhuận tràng làm trơn (dầu paraffin) nên uống một lần vào buổi sáng, xa các bữa ăn để tránh cản trở hấp thu các vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K).

4. Thuốc uống sau bữa ăn tối

- Thuốc điều trị tăng cholesterol máu: Gan chuyển hóa phần lớn cholesterol trong khi ngủ vào ban đêm, uống thuốc sau bữa tối sẽ giúp duy trì mức cholesterol ổn định trong máu.

5. Những thuốc không ảnh hưởng bởi thứ ăn

- Đó là những thuốc không bị thức ăn làm ảnh hưởng đến sự hấp thu hoặc phá hủy, có thể uống vào lúc nào cũng được. Như các kháng sinh nhóm quinolon (norfloxacin, ofloxacin, ciprofloxacin…) có thể uống trong hoặc sau bữa ăn, sự hấp thu không bị ảnh hưởng.

- Amoxycilin cũng vậy, có thể uống trong bữa ăn hoặc sau khi ăn. Thuốc tadalafil (chữa rối loạn cương dương) sự hấp thu thuốc không liên quan tới bữa ăn và thời điểm dùng thuốc, có thể uống tùy ý. Các loại thuốc tránh thai dạng uống cũng vậy, nhưng cần phải uống vào giờ cố định sáng hoặc tối.

Khi dùng bất kỳ loại thuốc nào bạn cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ. Tuy nhiên, việc quyết định uống thuốc vào lúc nào còn phải tùy thuộc vào biểu hiện của triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào đó để quyết định kê đơn loại thuốc phù hợp cho từng bệnh nhân và thời điểm dùng thuốc hợp lý nhất.

Hỏi Đáp Tìm bác sĩ Lịch khám chuyên khoa